TT – Cục Thuế TP.HCM vừa ban hành công văn 4964 thông báo những việc mà doanh nghiệp cần phải làm nhằm chuẩn bị tự in hóa đơn từ ngày 1-1-2011 để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ nghị định 51 về hóa đơn, trường hợp đang sử dụng hóa đơn tự đặt in, hoặc hóa đơn mua của Bộ Tài chính thì dự trù nhu cầu sử dụng đến 31-12-2010, tránh đặt in thêm hoặc mua quá nhu cầu sử dụng gây lãng phí. Cuối năm 2010 phải kiểm kê toàn bộ hóa đơn tự đặt in, hóa đơn đã mua nhưng chưa sử dụng báo cáo cơ quan thuế quản lý trực tiếp để xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp cũng sớm thiết kế mẫu hóa đơn đặt in gồm đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định trên cùng mặt giấy. Ngoài ra có thể tạo thêm các thông tin khác, kể cả logo, trang trí hoặc quảng cáo, ký hiệu nhận dạng tránh làm giả. Đồng thời chọn doanh nghiệp có giấy phép hoạt động ngành in để ký hợp đồng, đảm bảo hóa đơn in xong và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục thông báo phát hành hóa đơn trước 1-1-2011.
Cục Thuế cũng lưu ý đơn vị có các đơn vị trực thuộc, nếu các đơn vị trực thuộc, chi nhánh đóng tại địa bàn khác sử dụng chung mẫu hóa đơn thì từng đơn vị phải gửi tờ thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp hóa đơn đã được in, khởi tạo nhưng chưa hoàn thành thông báo phát hành thì chưa có giá trị sử dụng.
* Cục Thuế TP.HCM cho biết từ ngày 6-8 sẽ xử phạt hành chính với những trường hợp chậm nộp tờ khai quyết toán thuế. Các trường hợp thuộc diện được hoàn thuế nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế cũng bị phạt.
Ông Dương Thế Quang, trưởng phòng kê khai và quyết toán thuế Cục Thuế TP.HCM, cho biết từ ngày 6-8 bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ lập biên bản với những trường hợp chậm nộp tờ khai, sau đó chuyển cho phòng kê khai quyết toán thuế để nơi này ra quyết định xử phạt. Theo quy định, nếu nộp tờ khai quyết toán thuế trễ từ 5-10 ngày sẽ bị phạt cảnh cáo, mức phạt thấp nhất là 100.000 đồng/trường hợp, trường hợp trễ từ 10-20 ngày mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng/trường hợp. Nếu trễ từ 40-90 ngày làm việc, mức xử phạt thấp nhất 500.000 đồng/trường hợp.